Trung A-hàm
Bấy giờ các Tỳ-kheo sau bữa ăn trưa, có chút công việc nên tập trung ngồi tại giảng đường. Lúc ấy, một số đông những người Dị học, sau bữa cơm trưa loanh quanh tìm đến chỗ các Tỳ-kheo, cùng nhau chào hỏi rồi ngồi một bên, nói với các Tỳ-kheo rằng : “Này chư Hiền, Sa-môn Cù-đàm chủ trương biến tri dục, chủ trương biến tri sắc, chủ trương biến tri thọ. Này chư Hiền, chúng tôi cũng chủ trương biến tri dục, chủ trương biến tri trừ sắc, chủ trương biến tri thọ. Giữa Sa-môn Cù-đàm và chúng tôi, giữa hai chủ trương biến tri ấy, có sự thù thắng nào, có những sai biệt nào ?” “Lúc bấy giờ các Tỳ-kheo khi nghe những điều mà số đông những người Dị học ấy nói, không biết thế nào là phải, thế nào là trái, im lặng đứng dậy mà đi, đồng thời suy nghĩ rằng : ‘Những điều như vậy, chúng ta phải do nơi Đức Thế Tôn mới biết.’. Rồi họ đi đến Đức Phật, cúi đầu đảnh lễ, ngồi một bên, đem những điều đã bàn luận với số đông những người Dị học ấy thuật lại với Đức Phật. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo rằng : “Lúc đó các ông nên hỏi số đông những người Dị học như vầy : ‘Này chư Hiền, thế nào là vị ngọt của dục, thế nào là tai hoạ của dục, thế nào là sự xuất yếu của dục ? “ ‘Thế nào là vị ngọt của sắc, thế nào là tai hoạ của sắc, thế nào là sự xuất yếu của sắc ? “ ‘Thế nào là vị ngọt của thọ, thế nào là tai hoạ của thọ, thế nào là sự xuất yếu của thọ ?’. “Này các Tỳ-kheo, nếu các ông hỏi như vậy, sau khi nghe, họ sẽ cật vấn lẫn nhau, nói quanh nói quẩn, nổi sân và cãi cọ rồi từ chỗ ngồi đứng dậy, im lặng và rút lui. Vì sao vậy ? “Vì Ta không thấy có những chư thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Phạm chí hay bất cứ ai khác ở trên đời này có thể biết được nghĩa ấy để tuyên bố lên. Chỉ có Như Lai và đệ tử của Như Lai, hoặc đệ tử nào được nghe từ hai vị này.” Đức Phật lại hỏi : “Thế nào là vị ngọt của dục ? “Đó là, nhân bởi năm công đức của dục mà phát sanh lạc và hỷ. Vị ngọt của dục chỉ tột cùng đến đó chứ không thể hơn nữa, nhưng tai hoạ của nó thì rất nhiều. “Thế nào là tai hoạ của dục ? “Một thiện gia nam tử, tuỳ kỹ thuật riêng mà tự mưu sinh ; hoặc làm ruộng, hoặc buôn bán, hoặc học sách, hoặc giỏi toán thuật, biết công số, khéo in khắc, làm văn chương, tạo thủ bút, hoặc hiểu kinh thơ, hoặc làm võ tướng, hoặc phụng sự vua. Người ấy khi gặp lạnh phải chịu lạnh, gặp nóng phải chịu nóng, bị đói khát nhọc mệt, bị muỗi mòng châm chích ; nó phải làm nghề nghiệp như thế để mong kiếm được tiền của. “Thiện nam tử bằng những phương tiện như thế, làm các công việc như vậy để mong cầu như vậy, nếu không kiếm được tiền của thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si dại, nói rằng : ‘Luống công làm lụng khổ nhọc vô ích mà những điều mong cầu không có kết quả.’. “Trái lại, thiện nam tử ấy bằng những phương tiện như vậy để mong cầu như vậy, nếu kiếm được tiền của nó sanh yêu quý, giữ gìn, chôn giấu. Vì sao vậy ? “Nó nghĩ : ‘Tài vật này của ta, đừng để cho vua đoạt, giặc cướp, lửa thiêu, hư hại, mất mát, hoặc xuất tài mà vô lợi, hoặc làm việc mà không thành tựu.’. “Kẻ đó giữ gìn, chôn giấu như vậy nhưng nếu rủi bị vua đoạt, hoặc giặc cướp, lửa thiêu hư hại mất thì sinh khổ sở, lo buồn rầu rĩ, tâm thành si ám, nói rằng : ‘Vật ta yêu quý, nhớ nghĩ suốt đêm ngày, nay đã không còn.’. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này, nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mẹ tranh cãi với con, con tranh cãi với mẹ, cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ tranh cãi lẫn nhau. Vì tranh cãi lẫn nhau như vậy nên mẹ nói xấu con, con nói xấu mẹ. “Cha con, anh em, chị em, bà con dòng họ nói xấu lẫn nhau. Thân thích còn vậy, huống nữa là người dưng. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên vua tranh giành với vua, Phạm chí tranh giành với Phạm chí, Cư sĩ tranh giành với Cư sĩ, dân tranh giành với dân, nước này tranh giành với nước nọ. Bởi tranh giành nên thù nghịch nhau, rồi dùng đủ loại binh khí để giết hại lẫn nhau, hoặc nắm tay thoi, ném đá, hoặc dùng gậy đánh, dao chặt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang khôi giáp, khoác trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi vào quân trận. Hoặc đánh nhau bằng voi, hoặc ngựa, hoặc xe, hoặc dùng bộ binh đánh nhau, hoặc cho trai gái đánh nhau. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trong khổ. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn, đi tranh đoạt nước người, công thành phá luỹ, chống cự lẫn nhau, thúc trống thổi kèn, lớn tiếng reo hò, hoặc dùng chày đập, hoặc dùng mâu kích, hoặc dùng bánh xe bén, hoặc dùng tên bắn, hoặc lăn đá kè, hoặc dùng nỏ lớn, hoặc rót nước đồng sôi vào mắt. Trong khi giao đấu, hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên mang áo giáp, mặc trường bào, cầm giáo mác, cung tên, hoặc cầm dao thuẫn vào xóm, vào ấp, vào quốc gia, vào thành thị, đục vách phá kho, cướp đoạt tài vật, chận đường giao thông, hoặc đến ngõ khác phá xóm phá làng, phá thành diệt nước. “Trong đó, hoặc người của vua bắt được, đem khảo đủ cách ; chặt tay, chặt chân, hoặc chặt hết cả tay chân ; cắt tai, cắt mũi, hoặc cắt cả tai mũi ; hoặc lóc từng miếng thịt ; bứt râu bứt tóc, hoặc bứt cả râu tóc ; hoặc nhốt vào trong cũi, quấn vải hoả thiêu, hoặc lấp trong cát, lấy cỏ quấn lại rồi đốt ; hoặc bỏ vô bụng lừa sắt, hoặc bỏ vô miệng heo sắt, hoặc đặt vào miệng cọp sắt rồi đốt, hoặc bỏ vô vạc đồng, hoặc bỏ vô vạc sắt rồi nấu ; hoặc chặt ra từng khúc, hoặc dùng xoa bén đâm, hoặc lấy móc sắt móc, hoặc bắt nằm trên giường sắt rồi lấy dầu sôi rót, hoặc bắt ngồi trong cối sắt rồi lấy chày sắt giã, hoặc cho rắn rít mổ cắn, hoặc dùng roi quất, hoặc dùng gậy thọt, hoặc dùng dùi đánh, hoặc buộc sống treo trên nêu cao, hoặc chém đầu rồi bêu. “Trong các trường hợp đó, kẻ ấy hoặc chết, hoặc sợ hãi, thọ cực trọng khổ. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác. Kẻ đó về sau bệnh tật liệt giường, hoặc ngồi hoặc nằm trên đất, vì khổ bức thân, toàn thân cảm giác khổ sở vô cùng, không còn đáng yêu thích. Kẻ đó vì lúc trước thân làm ác, khẩu làm ác, ý làm ác nên khi sắp chết chúng che ngay trước mắt giống như mặt trời lặn bóng sườn núi lớn, che lấp mặt đất. Cũng vậy, kẻ ấy bị những ác hành của thân, ác hành của khẩu và của ý che lấp trước mắt, kẻ đó nghĩ rằng : ‘Ác hành ta làm trước kia, bây giờ chúng che trước mắt ta. Trước ta không tạo phước nghiệp mà tạo nhiều ác nghiệp. Giả tỷ có ai chỉ làm ác, hung bạo, chỉ làm tội chứ không làm phước, không hành thiện, khi sống không biết lo sợ, gần chết không chỗ nương cậy, không chỗ quay về. Người ấy thân sanh về cõi nào, ta cũng thác sinh về chỗ đó.’. “Do đó, sanh hối hận, rồi do hối hận mà chết không an, chết không được phước. “Đó là những nỗi thống khổ ở đời này nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Lại nữa, vì chúng sanh nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc nên thân làm ác, khẩu và ý làm ác. Kẻ đó vì thân làm ác, khẩu và ý làm ác nên nhân nơi đó, duyên nơi đó mà khi thân hoại mạng chung phải đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. “Đó là những nỗi khổ ở đời sau nhân nơi dục, duyên nơi dục, lấy dục làm gốc. “Như vậy là tai hoạ của dục. “Thế nào là sự xuất yếu của dục ? Nếu đoạn trừ dục, xả ly dục, diệt tận dục, vượt qua khỏi dục mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của dục. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai hoạ của dục, sự xuất yếu của dục, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn dục, huống nữa là đoạn dục cho kẻ khác. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của dục, tai hoạ của dục, sự xuất yếu của dục, thì không những có thể tự mình đoạn dục mà có thể đoạn dục cho kẻ khác. “Thế nào là vị ngọt của sắc ? “Giả sử có các thiếu nữ Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ hay Công sư đến tuổi mười bốn, mười lăm, là lúc có sắc đẹp mỹ miều. Nhân nơi sắc đẹp đó, duyên nơi sắc đẹp đó mà sanh lạc, sanh hỷ ; vị ngọt của sắc chỉ tột cùng đến đó chứ không hơn nữa. Nhưng tai hại của sắc thì rất nhiều. “Thế nào là tai hại của sắc ? “Nếu thấy nàng ấy về sau trở nên hết sức già yếu, đầu bạc, răng rụng, lưng còng, gối rũ, chống gậy mà đi, tuổi trẻ đã tàn, mạng sống sắp hết, thân thể run rẩy, các căn hư mòn. “Ý các ngươi nghĩ sao ? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và sanh ra tai hoạ chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Lại nữa, nếu thấy nàng ấy bệnh tật liệt giường, ngồi nằm trên đất, vì khổ bức thân, chịu khổ cùng cực, ý các ngươi nghĩ sao, có phải sắc đẹp trước kia biến mất, sanh ra tai hoạ chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy đã chết từ một, hai ngày đến sáu bảy ngày, đang bị quạ diều bươi mổ, sài lang cấu xé, hoặc đã được hoả thiêu hay chôn lấp, đang bị mục nát hư hoại. “Ý các ngươi nghĩ sao ? Có phải sắc đẹp trước đã biến mất và tai hoạ sanh ra chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, hài cốt xám xanh, mục nát quá nữa, xương vải trên đất. “Ý các ngươi nghĩ sao ? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai hoạ sanh ra chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương rời từng đốt, tản mác khắp nơi, xương chân, xương đùi, xương đầu gối, xương bắp vế, xương sống, xương vai, xương cổ, xương sọ, mỗi thứ một nơi, ý các thầy nghĩ sao ? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai hoạ sanh ra chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Lại nữa, nếu thấy xác nàng ấy ở trong nghĩa địa, xương trắng như vỏ ốc, xanh như lông chim câu, đỏ như màu máu, hư hoại, mục nát. Ý các ngươi nghĩ sao ? Có phải sắc đẹp trước kia đã biến mất và tai hoạ sanh ra chăng ?” “Bạch Thế Tôn, đúng vậy.” “Như vậy gọi là tai hoạ của sắc.” “Thế nào là sự xuất yếu của sắc ? “Nếu đoạn trừ sắc, xả ly sắc, diệt tận sắc, vượt qua khỏi sắc mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất yếu của sắc. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai hoạ của sắc, sự xuất yếu của sắc, thì không bao giờ có thể tự mình đoạn sắc, huống nữa là đoạn sắc cho kẻ khác. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của sắc, tai hoạ của sắc, sự xuất yếu của sắc thì không những tự mình đoạn sắc, mà còn có thể đoạn sắc cho kẻ khác. “Thế nào là vị ngọt của thọ ? Tỳ-kheo ly dục, ly pháp ác bất thiện, cho đến, thành tựu và an trụ nơi đệ Tứ thiền. Bấy giờ, vị đó không nghĩ đến việc tự hại, cũng không nghĩ đến sự hại người. “Nếu không nghĩ đến hại, đó là vị ngọt của cảm giác lạc. Vì sao vậy ? “Vì không nghĩ đến sự làm hại thì thành tựu được cảm giác lạc ấy. Như vậy gọi là vị ngọt của thọ. “Thế nào là tai hoạ của thọ ? “Thọ là pháp vô thường, pháp diệt. Như vậy gọi là tai hoạ của thọ. “Thế nào là sự xuất yếu của thọ ? “Nếu đoạn trừ thọ, xả ly thọ, diệt tận thọ, vượt qua thọ mà thoát ly. Như vậy gọi là sự xuất ly của thọ. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào mà không biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai hoạ của thọ, xuất yếu của thọ thì không bao giờ có thể tự mình đoạn thọ, huống nữa là đoạn thọ cho kẻ khác. “Nếu Sa-môn, Phạm chí nào biết đúng như thật vị ngọt của thọ, tai hoạ của thọ, xuất yếu của thọ thì không những tự mình có thể đoạn thọ, mà còn có thể đoạn thọ cho kẻ khác.”